Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc và chỉ rõ: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều… Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng” (*).
Kể từ đó, Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi như một lời hiệu triệu, tập hợp, thôi thúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, ra sức thi đua, đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Cũng từ đây, phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, phát động và tổ chức thực hiện ngày càng phát triển, gắn liền với lịch sử dân tộc và các sự kiện thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam. Do vậy, ngày 11 tháng 6 hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là Ngày Truyền thống Thi đua yêu nước ở nước ta (theo Quyết định số 258/QĐ-TTg, ngày 04/3/2008). 
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước
(Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ IV) diễn ra tại Hà Nội, tháng 12 năm 1966
Thấm nhuần và tiếp tục phát huy vai trò to lớn của phong trào thi đua yêu nước, trong thời gian qua, tư tưởng thi đua yêu nước Hồ Chí Minh ngày càng được cán bộ, viên chức, người lao động Trung tâm không ngừng vận dụng sáng tạo, linh hoạt với nội dung cụ thể, thiết thực, hình thức phong phú trong học tập, công tác và giảng dạy. Các phong trào thi đua yêu nước tập trung hướng về con người, trọng tâm là phục vụ người học, gắn kết chặt chẽ với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua do các ngành, các cấp tổ chức, phát động: “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Vì tuyến đầu Tổ quốc”, “Vì Trường Sa thân yêu”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Thực hiện văn hóa công sở”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Vì an ninh Tổ quốc”, “Thi đua quyết thắng”… Tất cả đã trở thành động lực quan trọng, thực sự đi vào đời sống, khơi dậy, động viên, lôi cuốn đông đảo cán bộ, viên chức, người lao động và sinh viên tích cực hưởng ứng, ra sức thi đua; đóng góp không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tiến sĩ Đỗ Đại Thắng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm phát động thi đua chào mừng
kỷ niệm 25 năm Ngày Truyền thống Trung tâm GDQP&AN (25/12/1997 - 25/12/2022)
Kỷ niệm 74 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2022), trong thời gian tới, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung tâm tiếp tục quán triệt, đổi mới, thực hiện tốt công tác thi đua gắn liền với công tác khen thưởng, nhằm ghi nhận, biểu dương, nhân rộng điển hình đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác và giảng dạy. Qua đó khẳng định việc tổ chức thường xuyên, có hiệu quả các phong trào thi đua sẽ quyết định mọi thắng lợi của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; luôn xác định thi đua - khen thưởng là động lực phát triển, là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới. Đồng thời, mỗi cán bộ, viên chức, người lao động Trung tâm sẽ ra sức thi đua với quyết tâm chính trị cao nhất, không ngừng rèn luyện và phấn đấu để trở thành những bông hoa tươi đẹp, tiêu biểu trong vườn hoa thi đua yêu nước dâng lên Bác, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(*) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tập 5, tr. 556-558.
Tin, ảnh: Quan Nhựt