Sáng 6/9, tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo hai ĐHQG. Phó Thủ tướng đã lắng nghe kiến nghị của lãnh đạo hai ĐHQG, các nhà khoa học và lãnh đạo các bộ ngành trao đổi về việc tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình phát triển ĐHQG.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: THIỆN THÔNG
Cần chính sách và nguồn lực mang tầm quốc tế
PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết để phát triển ĐHQG-HCM đúng như nhiệm vụ và kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước giao phó, ĐHQG-HCM mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo sâu sát, quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ, bộ, ngành trung ương.
PGS.TS Vũ Hải Quân nêu 5 kiến nghị với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà để tháo gỡ các khó khăn đối với sự phát triển của ĐHQG-HCM.
Trước nhất, Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung ĐHQG-HCM kiến nghị trong Dự thảo Đề án “Phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á”.
Tiếp đến, Giám đốc ĐHQG-HCM mong Phó Thủ tướng chỉ đạo giao ĐHQG-HCM thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án thành phần thuộc phạm vi quản lý của ĐHQG-HCM. Điều này sẽ giúp ĐHQG-HCM đẩy nhanh công tác xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng và công tác giải ngân.
Liên quan Nghị định về ĐHQG và Quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐHQG và các cơ sở giáo dục đại học thành viên, ông Vũ Hải Quân kiến nghị Phó Thủ tướng sớm ban hành nghị định này theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho ĐHQG.
Đối với Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua khen thưởng đang được Bộ Nội vụ soạn thảo và trình Chính phủ phê duyệt, ông Vũ Hải Quân kiến nghị Phó Thủ tướng xem xét và bổ sung, làm rõ nội dung về các danh hiệu thi đua, cờ thi đua, bằng khen cấp ĐHQG và kết quả thi đua, khen thưởng cấp ĐHQG được công nhận tương đương cấp bộ, ngành và được tính tích lũy khi xét khen thưởng cấp cao hơn.
Cuối cùng, PGS.TS Vũ Hải Quân kiến nghị Chính phủ có thể bố trí lại số vốn đã bị hủy dự toán (hơn 420 tỷ đồng) do chưa giải ngân hết trong các năm trước đối với dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng của ĐHQG-HCM tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Từ đó có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm hoàn thành công tác này.
Theo GS.TS Lê Quân - Giám đốc ĐHQG Hà Nội, trong các buổi làm việc với các bộ ngành trung ương về nghị định liên quan ĐHQG, Phó Thủ tướng có cho biết là chúng ta phải cố gắng làm sao cho hai ĐHQG có cơ chế chính sách để xây dựng các đại học đẳng cấp, thực hiện những nhiệm vụ, sứ mệnh quan trọng, ngang tầm khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, GS Lê Quân cho rằng do quy định của Luật Giáo dục Đại học và một số luật khác mà quyền hạn trong một số vấn đề chuyên môn, tài chính, nguồn lực của hai ĐHQG hiện nay vẫn chưa có tính đặc thù, đặc sắc.
“Nếu chúng ta đầu tư cho hai ĐHQG để trở thành đai học tầm cỡ quốc tế thì cần có những cơ chế chính sách và nguồn lực mang tầm cỡ quốc tế. Hai ĐHQG kiến nghị Phó Thủ tướng và các bộ ngành ủng hộ để có những cơ chế đặc thù, đặc biệt là cơ chế về tổ chức. Để có thể phát triển và thực hiện những nhiệm vụ chiến lược, cơ cấu tổ chức của hai ĐHQG phải có tính đặc thù” - Giám đốc ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh.
Ông Lê Quân cho biết thêm, cơ chế đặc thù tiếp theo là cơ chế sử dụng con người. Muốn sử dụng con người chuyên gia thì phải có nguồn lực. Do đó, đi liền với nó là cơ chế về nguồn lực tài chính. Đó là 3 cơ chế rất quan trọng.
Đồng thời, Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho rằng hai ĐHQG là nơi thí điểm nhiều chính sách về đổi mới giáo dục đại học. Do đó, hai ĐHQG rất mong được thí điểm về cơ chế đào tạo, đặc biệt là mô hình đào tạo mới và những quy chế đào tạo tương ứng để đảm bảo sự khác biệt và mang lại chất lượng cao.
Sẽ tham gia cùng Chính phủ về đổi mới quản lý KHCN
PGS.TS Vũ Hải Quân tặng quà lưu niệm của ĐHQG-HCM cho Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh: THIỆN THÔNG
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, hai ĐHQG là mô hình đại học được hình thành từ những chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Trải qua 30 năm phát triển, đã đến lúc chúng ta phải có tổng kết, đánh giá một cách kỹ lưỡng cái gì chúng ta chưa làm hết được, cái gì chúng ta cần có tư duy mới hơn, phát triển hơn để ĐHQG phát huy được cao nhất khả năng tự chủ, sức mạnh trí tuệ và tính tiên phong trong đổi mới sáng tạo.
Để phát triển hai ĐHQG trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đã giao một số nhiệm vụ quan trọng cho hai ĐHQG.
Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng hai ĐHQG, sau 30 năm hoạt động, cần tổng kết những gì mà ĐHQG đang thấy vướng víu về con đường đi, tầm nhìn phát triển trong quá trình cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước thành các chính sách, pháp luật để kiến nghị với Chính phủ.
“Trong đó, tôi rất quan tâm vấn đề cơ chế tổ chức, mối quan hệ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, về doanh nghiệp, các trung tâm khởi nghiệp trong ĐHQG, về liên thông giữa sự nghiệp với các doanh nghiệp trong ĐHQG, về hệ sinh thái của ĐHQG cần như thế nào để tạo ra sự khác biệt” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Phó Thủ tướng lưu ý, hai ĐHQG cần phải đặt ra tầm nhìn và mong muốn của mình về ĐHQG. Từ đó, bằng nguồn lực nhà nước, cơ chế chính sách, mô hình để vận hành đạt những mục tiêu này.
Tiếp đến, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu hai ĐHQG cần có đề án tổng thể trên cơ sở pháp lý và trên cơ sở nhìn nhận về vị trí, tầm quan trọng của mình để đề xuất với Nhà nước những vấn đề Nhà nước phải đầu tư, cần đặt hàng; đề xuất những vấn đề mà ĐHQG với chiến lược phát triển của mình sẽ phải thực hiện.
“Trong đó, cần tập trung vào những vấn đề mà các trường đại học khác có thể chưa quan tâm. Đó là đầu tư có tính dài hạn, đầu tư các lĩnh vực về khoa học cơ bản, khoa học xã hội hay các vấn đề trong tương lai. Những vấn đề này phải được đặt ra và ĐHQG phải lấy đó làm nhiệm vụ và không nên đặt quá nhiều tham vọng trong việc đào tạo các ngành nghề nóng. ĐHQG phải xây dựng cho mình triết lý phát triển riêng, đúng tầm và vai trò của mình” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị ĐHQG cần tập trung vào đổi mới quản lý khoa học công nghệ, trong đó tập trung đổi mới các vấn đề liên quan đến đầu tư và ngân sách, về tổ chức bộ máy.
Phó Thủ tướng nói: “Chúng tôi đề nghị ĐHQG sẽ tham gia cùng Chính phủ, các bộ ngành để hoàn thiện những cơ chế, giúp ĐHQG hoạt động thuận lợi hơn trong thời gian tới”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, để có văn bản và cam kết, ông và các lãnh đạo bộ ngành sẽ nghiên cứu và đưa ra kết luận tháo gỡ trong thời gian tới
“Buổi làm việc hôm nay mặc dù ngắn nhưng chúng ta thấu hiểu được để cùng ĐHQG thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ to lớn mà đất nước đã đặt ra cho ĐHQG” - Phó Thủ tướng nhận định.